Tiểu sử Lahiri_Mahasaya

Đầu đời

Lahiri được sinh ra trong một gia đình Brahmin ở quận Nadia của xứ Bengal. Ông là con trai út của Muktakashi, vợ của Gaur Mohan Lahiri. Mẹ ông qua đời khi ông còn thơ bé— rất ít được biết về bà, ngoại trừ bà là tín đồ của Thần Shiva. Vào tuổi lên ba hay lên bốn, ông thường ngồi trong tư thế thiền định, cả cơ thể chôn vùi trong cát tới cổ. Khi Lahiri lên năm tuổi, ngôi nhà tổ tiên để lại của ông bị phá hủy trong một trận lụt, do đó gia đình di chuyển về Varanasi, nơi ông trải qua gần như là hết cả cuộc đời.[1]

Khi còn bé, ông học tiếng Urdu và Hindi, dần chuyển sang học tiếng Bengali, Sanskrit, Ba Tư, và tiếng Anh tại Cao đẳng nhà nước (Government Sanskrit College), cùng với học kinh Veda. Đọc kinh Veda, tắm trong dòng sông Hằng, và thờ cúng là một phần của các thủ tục thường ngày của ông.[2]

Năm 1846, ông cưới bà Srimati Kashi Moni. Họ có hai người con trai, Tincouri và Ducouri. Ông làm việc như là kế toán của Bộ Kỹ thuật Quân sự của nhà nước Anh, công việc làm ông đi khắp Ấn Độ. Sau khi cha ông qua đời, ông đóng vai trò nuôi cả gia đình ở Varanasi.[1]

Thầy dạy Kriya Yoga

Vào năm 1861, Lahiri được thuyên chuyển tới Ranikhet, dưới chân của dãy Himalaya. Một ngày kia, khi đang đi bộ dưới chân núi, ông nghe có tiếng gọi tên ông. Sau khi leo lên cao, ông gặp Guru của ông là Mahavatar Babaji, người đã khai tâm cho ông vào các kỹ thuật của Kriya Yoga. Babaji nói với Lahiri rằng phần còn lại của đời ông sẽ dành cho việc quảng bá kỹ thuật Kriya.[1]

Không lâu sau, Lahiri quay về Varanasi, nơi ông bắt đầu khai ngộ cho những người thành tâm muốn vào con đường của Kriya Yoga. Trải qua thời gian, càng ngày càng nhiều người đổ về để nhận lấy những lời dạy Kriya từ Lahiri. Ông tổ chức nhiều nhóm học và thường xuyên đưa ra các bài giảng về Bhagavad Gita. Ông khai ngộ Kriya cho người với các niềm tin khác nhau, kể cả Ấn Độ giáo, Hồi giáo, và Thiên chúa giáo, trong một thời điểm mâu thuẫn giai cấp là rất lớn. Ông khuyến khích học trò cứ vẫn giữ đạo và niềm tin riêng của họ, chỉ thêm các kỹ thuật Kriya vào những gì họ đang thực tập.[1]

Ông tiếp tục cả hai vai trò như là kế toán và là người nuôi sống gia đình, và là thầy dạy Kriya Yoga, cho đến năm 1886, khi ông có khả năng về hưu với một khoản trợ cấp nhỏ. Các nhiều người tới viếng thăm vào thời gian này. Ông ít khi rời khỏi phòng, luôn sẵn sàng với những người muốn nhận darshan. Ông thường ở trong trạng thái ngưng thở, nhập vào samadhi.

Trải qua nhiều năm ông đã khai tâm cho những người làm vườn, đưa thư, những người muốn tu tại gia, những người thuộc tầng lớp thấp hơn, người theo Thiên chúa giáo, và Hồi giáo.[2] Vào thời điểm đó, một Brahmin không được khuyến khích là giao thiệp với các tầng lớp khác.

Một số đồ đệ có tiếng của ông là Sri Panchanon Bhattacharya, Swami Sri Yukteswar Giri, Swami Pranabananda, Swami Keshabananda, Sri Bhupendranath Sanyal, và cha mẹ của Paramahansa Yogananda. Những người khác được khai tâm vào Kriya Yoga bởi Lahiri bao gồm Swami Vhaskarananda Saraswati xứ Benares, Balananda Brahmachari xứ Deogarh, Maharaja Iswari Narayan Sinha Bahadur xứ Benares và con ông ta.[1][3] Có người dự đoán rằng Lahiri cũng đã khai tâm Sai Baba xứ Shirdi vào Kriya Yoga, dựa vào một đoạn trong nhật ký của Lahiri.[4]

Ông cho phép một đồ đệ của mình, Panchanon Bhattacharya, lập ra một viện ở Kolkata để quảng bá những lời dạy của Kriya Yoga. Trung tâm Arya Mission Institution xuất bản những bài bình giảng của Lahiri về Bhagavad Gita, cùng với những cuốn sách về tâm linh khác, bao gồm một bản dịch ra Bengali cuốn Gita. Lahiri cũng cho in hàng ngàn cuốn sách nhỏ với các trích đoạn trong Gita, bằng tiếng Bengali và Hindi, và phát không.[2]

Vào năm 1895 ông bắt đầu tụ tập các đệ tử, nói với một số trong họ rằng ông sắp rời thân xác của mình. Chỉ vài giây phút trước khi qua đời, ông chỉ nói đơn giản, "Ta đi về nhà đây. Bình an; ta sẽ sống trở lại" ("I am going home. Be comforted; I shall rise again.") Sau đó ông xoay người ba lần, hướng mặt về phương bắc, và rời khỏi thân xác một cách có ý thức, đi vào mahasamadhi. Lahiri Mahasaya qua đời vào 26 tháng 9 năm 1895.[1]